Đảo Phú Quốc có tiềm năng phát triển du lịch rất to lớn, đặc biệt là sau khi sân bay Phú Quốc trở thành sân bay quốc tế vào tháng 12-2012. Những người trong lĩnh vực hàng không đánh giá cao sân bay quốc tế Phú Quốc về mặt kỹ thuật, là một sân bay mà tất cả cá loại tàu bay kể cả máy bay lớn nhất của hãng Boeing và Airbus có thể cất, hạ cánh.
QĐND – Tiến sĩ, nhà Việt Nam học Đa-ri-a Mi-su-cô-va, sinh năm 1979 tại Vla-đi-vốt-xtốc (Nga). Cô từng học ngôn ngữ và văn hóa Việt và là tác giả của cuốn sách “Việt Nam-Đất nước con Rồng cháu Tiên” nổi tiếng là “cẩm nang vàng” đối với du khách Nga. Hiện nay, Đa-ri-a Mi-su-cô-va sống ở đảo Phú Quốc.
Ngoài việc tiếp tục viết sách về Việt Nam, cô còn tham gia kinh doanh và làm dịch vụ du lịch. Trong bài viết gửi cho Báo QĐND Cuối tuần dưới đây, Đa-ri-a Mi-su-cô-va nhận định những tiềm năng du lịch hiếm có của Phú Quốc mà nếu biết phát huy thì Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách Nga nói riêng và quốc tế nói chung.
Nói đến Việt Nam, khách du lịch Nga từ lâu đã chọn Mũi Né (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa) là những điểm đến ưa thích. Mỗi khi sang Việt Nam, du khách Nga đặc biệt thích khí hậu nhiệt đới, thiên nhiên đẹp, trời nắng, biển xanh, các món ăn hải sản tươi ngon và sự mến khách của người Việt.
Ngành du lịch Việt Nam đã đạt được thành công mục tiêu thu hút khách du lịch Nga sang Việt Nam với số lượng nhiều và ngày càng tăng lên. Và nay có mục tiêu quan trọng hơn nữa là làm như thế nào để khách Nga nói riêng, khách nước ngoài nói chung quay lại Việt Nam nhiều lần hơn. Số lượng khách Nga đã sang Việt Nam và tiếp tục quay lại Việt Nam chưa lạc quan lắm. Theo thống kê tôi được biết, lượng khách Nga đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ quay lại 12 lần, đi du lịch Thái Lan quay lại 5 lần, nhưng Việt Nam chỉ đi 1 lần mà thôi. Số khách Nga chọn Việt Nam là điểm đến nhiều năm chưa trở thành xu hướng chung tại thị trường du lịch Nga. Cho nên đây là một sự thật mà ngành du lịch
Việt Nam cần dũng cảm để tìm cách vượt qua.
Như đã nói, hai điểm đến của Việt Nam mà khách Nga yêu thích là Nha Trang và Mũi Né. Hai khu nghỉ dưỡng đẹp này đã trở thành “tấm danh thiếp” sáng giá của du lịch Việt Nam, đồng nghĩa với kỳ nghỉ của xứ nhiệt đới. Bên cạnh đó, ở Việt Nam cũng có những điểm đến chưa được nổi tiếng để trở thành điểm đến hấp dẫn. Một ví dụ điển hình là đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Đảo Phú Quốc có tiềm năng phát triển du lịch rất to lớn, đặc biệt là sau khi sân bay Phú Quốc trở thành sân bay quốc tế vào tháng 12-2012. Những người trong lĩnh vực hàng không đánh giá cao sân bay Phú Quốc về mặt kỹ thuật, là một sân bay mà tất cả cá loại tàu bay kể cả máy bay lớn nhất của hãng Boeing và Airbus có thể cất, hạ cánh.
Tại sân bay đã chuẩn bị sẵn quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế, nhưng trong 11 tháng qua chưa có chuyến bay quốc tế nào hạ cánh tại Phú Quốc. Trong suốt năm nay, có một số hãng du lịch và hãng hàng không có ý định đưa khách du lịch bay đến Phú Quốc. Lý do chưa thực hiện là do Phú Quốc chưa có đủ phòng, chưa có đủ khách sạn tiêu chuẩn quốc tế để bắt đầu chương trình bay như đang thực hiện qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Về ưu điểm, đảo Phú Quốc có một lợi thế mà các điểm du lịch khác tại Việt Nam không có. Tất cả các resort của vùng duyên hải nhìn ra Biển Đông đều có bãi biển “Sunrise beach” (bãi biển ngắm bình minh). Còn riêng Phú Quốc thì có thể “khoe” vừa có bãi biển ngắm bình minh ở phía đông đảo, vừa có bãi biển “Sunset beach” (bãi biển ngắm hoàng hôn) ở phía tây đảo. Điều này tạo cơ hội hiếm có để khách du lịch có thể ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn trên biển.
Phú Quốc còn có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Nhà tù Phú Quốc, đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực, cả hai kể về lịch sử gần xa. Phú Quốc có suối Tranh đẹp tựa như một bức tranh phong thủy; bãi Sao nổi tiếng ở phía Đông đảo với cát trắng mịn tạo cảnh quan biển đẹp tuyệt vời quanh năm. Chính vì những ưu thế mà thiên nhiên đã ban tặng đó nên Phú Quốc còn được mệnh danh là “đảo ngọc thiên đường”.
Những gì được thiên nhiên ưu đãi chỉ làm nền tảng, tiền đề cho phát triển du lịch. Còn sự thành công thật sự trong phát triển du lịch phụ thuộc vào trí tuệ và tính cần cù lao động của con người trong ngành và các lĩnh vực có liên quan, cũng như khả năng nhìn xa trông rộng của người đứng đầu, của chủ đầu tư.
Nha Trang và Mũi Né khi mới bắt đầu phát triển về du lịch thì nhiều khách nước ngoài đã phàn nàn là ít có cơ hội đi mua sắm. Nay sau mấy năm phát triển, hai khu nghỉ dưỡng này đã có khả năng thỏa mãn nhu cầu mua sắm của khách đẳng cấp nội địa và quốc tế với nhiều cửa hàng thời trang, trang sức chất lượng cao.
Phú Quốc ngay bây giờ có một ưu điểm là ngành nuôi cấy ngọc trai Phú Quốc phát triển từ khá lâu với rất nhiều cửa hàng ngọc trai, đặc biệt là có cửa hàng của Long Beach Pearl với chế độ bảo hành quốc tế cho sản phẩm. Khách nước ngoài tham quan trung tâm nuôi cấy ngọc trai Long Beach Pearl, đều thấy rất hài lòng vì ở hòn đảo đẹp hoang sơ mới bắt đầu phát triển du lịch lại có một trung tâm trưng bày ngọc trai lớn như vậy.
Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về quy trình nuôi cấy ngọc trai, tìm hiểu về bảo tàng sinh vật biển và nhìn vào ngọc trai từ khía cạnh văn hóa Việt Nam truyền thống với bức tranh dài 15m miêu tả chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thủy và sự ra đời của ngọc trai, tạo thêm giá trị tinh thần đối với khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài.
Dẫu còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa thôi Phú Quốc sẽ thực sự thu hút khách du lịch Nga đến nghỉ dưỡng và còn quay lại hòn đảo này nhiều lần.