Theo Vườn Quốc gia Phú Quốc, các cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc và xã Gành Dầu đã tổ chức truy bắt đối tượng chuyên phá rừng nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý.
Ðược một người dân trong khu vực dẫn đường, chúng tôi len lỏi vào rừng vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc. Tại Tiểu khu 79 vùng đệm Rừng Quốc gia Phú Quốc thuộc ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), tận mắt nhìn thấy hàng trăm gốc chai độ tuổi từ 10 đến 20 năm đã bị đốn hạ bằng búa và cưa.
Những gốc chai bị cưa máy tiện ngang gốc cách mặt đất chừng hai gang tay vẫn còn ứa nhựa tươi rói. Nhiều gốc chai khác bị búa chặt đứt nham nhở nằm trơ trọi. Có những gốc chai lớn bị đốn hạ, chồi non đã mọc cao cả thước, chứng tỏ việc chặt phá rừng diễn ra đã lâu.
Một đồng nghiệp ở Ðài Truyền thanh-Truyền hình huyện Phú Quốc cho biết: Cách đây hơn một tháng, anh cũng được những người dân dẫn vào khu vực này và đã quay phim, ghi hình toàn diện về khung cảnh chung quanh.
Vườn Quốc gia Phú Quốc

Ðược biết, tình trạng phá rừng đã được người dân trong khu vực phát hiện cách đây hơn ba tháng. Anh Nguyễn Ðình Ðức ở tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 1, ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu cho biết, anh đã phát hiện tình trạng phá rừng vào ngày 15-4 và báo cho Hạt Kiểm lâm Rừng Quốc gia Phú Quốc.
Nhưng mãi đến ngày 22-4, Hạt Kiểm lâm mới phối hợp với Công an xã Gành Dầu và Ban lãnh đạo ấp Rạch Vẹm đi kiểm tra hiện trường… Hôm gặp chúng tôi, anh Ðức bức xúc: “Giữ được rừng chai 20 năm tuổi như thế này đâu phải chuyện dễ, thế mà tình trạng phá rừng đang diễn ra”.

Còn đồng chí Ðỗ Ngọc Minh, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu – người được Ban lãnh đạo ấp cử phối hợp, tham gia cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc, Công an, Xã đội Gành Dầu kiểm tra hiện trường, cho biết: Ðoàn xác định số gốc chai đã bị chặt là 134 gốc, tất cả số cây bị chặt hạ đều đã được vận chuyển ra khỏi khu vực.
Trong đó nhiều cây chai mới chặt cách nay vài tháng. Ðược biết, ngày 29-4 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đã phát hiện và lập biên bản đối với bà Trần Thị Lan ở tổ NDTQ số 5, ấp Chuồng Vích đã có hành vi thuê người vào rừng chặt cây chai. Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đã thu giữ 37 lóng chai có tổng khối lượng 0,4 m3 gỗ tròn.
Cây chai thuộc nhóm gỗ quý, giá trị sử dụng rất cao, vùi dưới nước hoặc chôn sâu dưới đất nhiều năm vẫn còn nguyên vẹn. Chai cũng là một trong những loài cây có khả năng được xác lập là loài đặc hữu của rừng Phú Quốc. Cây chai có nhiều ở khu vực rừng bắc đảo, tuy nhiên hiện nay không còn nhiều bởi sự săn lùng khai thác của người dân địa phương trong nhiều năm qua.
Theo Vườn Quốc gia Phú Quốc, các cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc và xã Gành Dầu đã tổ chức truy bắt đối tượng chuyên phá rừng nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý.
Mới đây, trong một văn bản gửi các cơ quan trong tỉnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc Phạm Quang Bình đã thừa nhận việc rừng vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc bị tàn phá là có thật.
Ðồng chí Phạm Quang Bình cho rằng, trong thời gian qua do lực lượng của Hạt Kiểm lâm mỏng nhưng phải bảo vệ, quản lý một số diện tích rừng rất lớn (31.422 ha) trong điều kiện hết sức phức tạp, nên chưa kiểm tra thường xuyên, liên tục ở vùng đệm để ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng.
Mặt khác, vùng đệm Rừng Quốc gia Phú Quốc trải dài trên sáu xã với 6.122 ha. Hiện trạng đất thổ cư, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chuyên dụng đan xen nhau, dân cư ở giáp rừng, xen kẽ với đất rừng, nên làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Ðể công tác bảo vệ rừng bền vững, các ngành chức năng mà chủ lực là lực lượng Kiểm lâm, Rừng Quốc gia Phú Quốc, một mặt cần kết hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, làm cho mọi người dân ý thức được phá rừng là hành vi vi phạm pháp luật, rừng bị tàn phá đồng nghĩa với việc môi trường sống của con người trong khu vực bị xâm hại, mặt khác, làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật.
Việt Tiến