Đảo Phú Quốc bao gồm rất nhiều núi và được mệnh danh là “Hòn đảo của 99 ngọn núi”, với những ngọn núi nối tiếp nhau trải dài từ Bắc xuống Nam, độ cao nhất là núi Chúa (603m).
Đồi núi
Phú Quốc là một hòn đảo lớn với nhiều đồi núi chập trùng. Có thể nói rừng núi là đặc trưng đầu tiên của đảo, cũng là một trong những vẻ đẹp của Phú Quốc.
Do cấu tạo địa chất và hệ mắt ma phun trào nên đồi núi Phú Quốc đa số là núi đất đỏ kết hợp với đá granit. Núi non Phú Quốc là những dãy song song từ Bắc xuống Nam, phía Bắc cao hơn, thấp dần về phía Nam (giới hạn từ tỉnh lộ 47 trở xuống) là địa hình dạng đồi núi xen kẻ các đồng bằng hẹp có độ dốc trung bình 15o, đồng thời cũng có những nhánh đâm ngang, dài nhất là dãy núi Hàm Ninh (30km), kế đó là dãy núi Hàm Rồng (10km) và dãy núi Bãi Dài.
Bên cạnh đó, phía Đông Bắc của đảo là khu vực có địa hình cao, đỉnh cao nhất là núi Chúa (603m), tiếp đến là núi Vò Quao (478m), núi Ông Thầy (438m), núi Đá Bạc (448m)…. Mặc dù, núi không cao lắm nhưng cũng đủ lớn và rộng; sự kết hợp giữa địa mạo và thảm thực vật đủ để chứa nước tạo nên những con suối trong rừng quanh năm nước chảy.
Phần lớn, diện tích đồi núi, rừng rậm chiếm tới 75% diện tích của đảo. Cây rừng trên đảo là một quần thể thực vật lớn với khoảng 900 loài, 600 chi, 200họ. Hơn nữa, trên các dãy núi là một hệ thống động thực vật rất phong phú; rừng cây cổ thụ, những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý: Gỗ lớn có tới 150 loài, 100 chi và khoảng 40 họ; đặc biệc có loại gỗ bời lời và vên vên chuyên để làm thùng đựng nước mắm, đóng ghe thuyền…Cây dược liệu có khoảng 60 loài, 60 chi, trên 40 họ… đã góp phần tạo nên sự hùng vĩ, độc đáo của đảo.
Ngoài ra, rừng Phú Quốc còn là nơi cư trú sinh sản của các loài động vật hoang dã khoảng 150 loài, 100 chi, gần 70 họ ( trong đó có 23 loài được ghi vào sách đỏ). Bên cạnh đó là ba hệ thực vật (Malaysia, Miến Điện và Hi Lạp Mã Sơn), tạo nên nguồn gen thực vật rất phong phú… Nhìn chung, có thể nói rừng núi Phú Quốc đã và đang tạo ra một sắc thái trù phú riêng biệt của đảo.
Hệ thống sông hồ trên đảo Phú Quốc
Phú Quốc có cả một hệ thống sông, suối và rạch rất đa dạng rất thuận tiện cho giao thông đường thủy và tạo cho môi trường, cảnh quan thêm sạch – đẹp, du lịch thêm hấp dẫn.
Hồ Dương Đông
Phú Quốc có hai con sông lớn đó là sông Dương Đông và sông Cửa Cạn.
Sông Dương Đông là một con sông lớn nhất trên đảo, bắt nguồn từ dãy núi ông Thầy (trong dãy Hàm Ninh) từ phía Đông chạy quanh cao độ 15km đổ ra phía Tây tại thị trấn Dương Đông bên cạnh Dinh Cậu. Sông được tiếp nước bởi rất nhiều con suối trong các dãy núi nên dù nằm giữa biển khơi nhưng vẫn là con sông nước ngọt trong rất nhiều tháng, chỉ có cửa biển là ảnh hưởng nước mặn theo thủy triều. Như những con sông khác, trong sông cũng có những loài thủy sản nước ngọt, nhất là ở thượng nguồn, mà con cá Chình là loài cá đặc biệt của Phú Quốc.
Sông Dương Đông không có chức năng chính là giao thông bởi cư dân của đảo hiện nay di chuyển hầu hết bằng đường bộ. Phía cửa sông có một cồn khá lớn án ngữ, trong mùa gió đông, cát thường bồi tại lòng lạch nên việc ra vào của tàu thuyền có khó khăn hơn, Tuy vậy, nó lại là nơi neo đậu tránh gió của tàu thuyền. Ngày xưa sông cũng là con đường cho cư dân tiến sâu vào trong đảo để mưu sinh. Hai bên bờ có những nhà thùng nước mắm. Đi sâu vào trong chỉ là rừng rậm, không có nhà dân, nhưng cảnh trí lại rất thơ mộng đối với người ngoạn cảnh..
Thị trấn Dương Đông, lỵ sở của huyện Phú Quốc nằm bên bờ con sông này. Nơi đây ngày xưa chỉ là một xóm dân cư, hiện nay đã phát triển khá rộng lấn sâu vào nội địa.
Còn sông Cửa Cạn bắt nguồn từ Sông Cái cầu Trắng và các rạch nhỏ khác đổ về thuộc dãy núi Hàm Ninh, chảy theo hướng Tây Tây Nam, qua cánh rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà, rồi đổ ra vịnh Thái Lan tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với chiều dài tổng cộng 25km. Sông có tên gọi như vậy là vì trong mùa gió Bắc cát thường bồi lấp làm cho sông cạn đi nên dân gọi là sông Cửa Cạn.
Phú Quốc còn có một tiềm năng du lịch về biển.
Biển Phú Quốc it có bão gió lớn, tương đối hiền hòa là một trong những ngư trường giàu có nhất trong khu vực về các loại hải sản…Từ những điều kiện đó mà Phú Quốc từ lâu đã trở thành “điểm hẹn” cho người tứ xứ, mang đến những hoạt động giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Phú Quốc.
Nằm giữa một vùng biển giàu tài nguyên khoáng sản với đường bờ biển dài 150km bao quanh nên hoạt động kinh tế chính của Phú Quốc cũng gắn liền với biển.
Vùng biển phú Quốc là một vùng biển ấm, nông, nguồn thức ăn dồi dào nên tập trung nhiều loài sinh vật biển và loài hải sản trù phú nhất Việt Nam.
Suối trên Đảo Phú Quốc
Địa hình đảo Phú Quốc khá phức tạp và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi và bãi biển. Đặc điểm này khiến việc tổ chức hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thật gặp nhiều khó khăn nhưng lại tạo cảnh quan sinh động, đẹp và hấp dẫn du lịch, với những khu vực có thể khai thác phục vụ du lịch như: các bãi cát trắng ven biển xung quanh đảo (bãi Dài, bãi Sao, bãi Kem…; khu vực đồi núi tạo cảnh quan điều kiện phát triển du lịch thể thao, tham quan các khu vực thực và động vật quý hiếm.v.v…; các cảnh quan hấp dẫn như khe suối, thác nước (suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên.v.v…).
Và một số khu vực có thể khai thác xây dựng cảng biển phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách. Ngoài ra với thế núi tự nhiên sẵn có, có thể xây dựng những hồ chứa nhân tạo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và dân cư vừa có thêm thắng cảnh mới cho các hoạt động nghỉ ngơi, du lịch.
—————————————–———————
Thông tin Phú Quốc tham khảo tại
Website : http://www.daophuquoc.biz
Email: [email protected]
Hotline: 090 729 4310
Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần hổ trợ mọi vấn đề về Phú Quốc