Home / Du lịch Phú Quốc / Phú Quốc thiên đường nắng và gió
Bãi Sao Phú Quốc
Bãi Sao Phú Quốc

Phú Quốc thiên đường nắng và gió

Phú Quốc thiên đường nắng và gió muốn ra hòn đảo lớn nhất Việt Nam chỉ có hai cách, một là bay, hai là bơi. Đi đường thủy từ Rạch Giá đến Phú Quốc mất hai tiếng rưỡi, từ Hà Tiên mất tiếng rưỡi, còn bay chỉ mất 45 phút đồng hồ từ sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi chọn cách tiết kiệm thời gian mà không thể tiết kiệm tiền.

Xuống đến sân bay, rất kỳ lạ, đã có những nhân viên của các khách sạn ba, bốn sao đứng đón sẵn để mời mọc và tiếp thị. Họ sẵn sàng giảm giá tới một nửa để đỡ trống phòng. Khách đồng ý sẽ được chở ngay về khách sạn bằng xe riêng. Tôi chọn khách sạn Blue Lagoon, chỉ vì nó có tên của một loại cocktail màu xanh lam mà tôi vẫn thường pha, nằm ngay thị trấn Dương Đông, khu vực dân cư đông đúc nhất ở tây bắc đảo, cũng đồng thời là thủ phủ của huyện đảo.

phu-quoc-phuquoc.tv

Mùa này khách sạn vắng, các bãi biển cũng vắng người. Bãi biển công cộng đẹp nhất đảo ngọc Phú Quốc, đồng thời cũng là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh là Bãi Sao. Bãi cát không dài rộng, nhưng bù lại trắng mịn, sạch sẽ, hứng những làn sóng biển đủ ba tông độ xanh. Bãi Sao đẹp hơn bãi Kuta và Legian ở Bali, vắng vẻ hơn cả Lăng Cô ở Huế và giá cả nhà hàng dù được coi là đắt đỏ nhất đảo cũng rẻ hơn Đồ Sơn và Hạ Long nhiều lần. Cộng ba điều lý tưởng này thì tôi cho rằng dù đảo Phú Quốc chẳng nhiều nhặn hoạt động giải trí nhưng cũng bõ một chuyến bay, chỉ để được tắm biển trên bãi cát thiên đường tràn nắng và gió.

Cầu gai và gỏi cá trích

Đến Bãi Sao, ngay tức thì có thể thưởng thức hai món đặc sản độc nhất vô nhị của Phú Quốc là gỏi cầu gai và gỏi cá trích. Tôi gọi một con cầu gai giá 40.000 đồng, là loại sinh vật biển vỏ cứng tròn xoe, gai dài tua tủa như nhím, trông chẳng có vẻ gì giống một vật thể sống, càng không giống một món ăn. Lúc sơ chế, nhà bếp phải kỳ công cắt bỏ gai, phạt núm trên, gạn hết những phần bỏ đi bên trong, chỉ để lại thịt và trứng vàng ươm như gạch cua bể. Khi ăn sống bỏ thêm muối chanh, hạt tiêu, mù tạt vào bụng cầu gai rồi lấy thìa xúc. Cầu gai chỉ xúc hai thìa là hết. May rằng tôi cũng không thấy ngon lắm nên chỉ ăn một con là đủ, đỡ chừng phải ăn tới 20 con.

goi-ca-trich-phu-quoc

Người Phú Quốc còn gọi giống này là nhum hoặc Nhím biển. Nghe nói trước đây chẳng ai ăn con nhum, thậm chí còn rất hãi sợ quả cầu gai nhọn hoắt này nếu chẳng may đang lò dò lặn lội dưới biển mà bị nó đâm vào chân, nỗi đau sẽ buốt thấu lên tận óc. Trông con nhum xấu xí, quái dị thế, ngư dân lặn mòn đáy biển cũng không dám ăn nhum, sợ ăn vào ngộ độc mà chết. Mãi đến năm 2000, một đầu bếp ở Phú Quốc nhìn thấy có con khỉ lấy đá đập vỡ vỏ nhum ra ăn hết ruột thì mới tin rằng nhum không gây chết người.

Nhưng tôi đồ rằng câu chuyện này cũng chỉ mang tính huyền thoại, vì khỉ có ăn hải sản bao giờ, càng chẳng dại gì đi ăn nhum. Lý do chính yếu là nhiều khách nước ngoài đã từng được nếm nhum rồi và gợi ý các đầu bếp Phú Quốc rằng nhum không những có thể ăn được mà còn trở thành đặc sản và vẫn được bán với giá cắt cổ ở Paris, New York. Thời bây giờ, thứ gì cũng được coi là đặc sản, tất thảy sinh vật đều được bỏ tuốt vào bụng.

Người ta bảo nhum bổ dưỡng cho sinh lực đàn ông. Nhưng cũng giống như việc tắm bùn, tắm khoáng, uống linh chi, hồng sâm, ăn đông trùng hạ thảo, chẳng ai dùng một hai lần mà có tác dụng. Muốn “khả năng đàn ông” khoẻ như hà mã, không chừng nên chuyển nhà ra bãi biển Phú Quốc (vì những vùng biển khác đi hoài đâu có thấy cầu gai), rồi ngày ních đầy mươi con vào bụng. Tháng ăn hết chục triệu, năm ăn hết trăm triệu tiền cầu gai may ra mới có chút tác dụng. Cầu gai cũng có thể xào lên để nấu cháo. Khách đi câu mực đêm, đang kiệt sức vì thức khuya hãy uống ngụm rượu sim Phú Quốc (làm từ trái sim trồng trên đảo), rồi húp bát cháo nhum, có thể đủ sức khoẻ để… bơi từ đảo vào bờ. Người ta quảng cáo thế, tất tật những gì có ở Phú Quốc, từ đồ ăn, thức uống cho đến nước mắm và không khí đều có thể bổ dưỡng và bách niên giai lão.
Tôi không thích lắm ăn nhum, nhưng một trong những món ngon tuyệt hảo nhất trên đời mà tôi từng được nếm thử hẳn phải là gỏi cá trích Phú Quốc. Nếu còn những lần sau quay lại, chắc cũng chỉ vì lý do duy nhất là để được ăn cá trích. Cá trích cư trú nhiều quanh đảo Phú Quốc, nên chẳng có lý do gì mà các ngư phủ không vớt lên ăn và làm mắm. Mỗi vùng miền lại có vô số cách chế biến cá trích: Cá trích hun khói, cá trích nướng, cá trích khô, cá trích ngâm dấm…, nhưng người Phú Quốc tâm đắc với món gỏi. Khách viễn du đến Phú Quốc càng không thể lờ đi món này, mà hễ bận nào nghĩ lại vẫn không khỏi ứa nước miếng.

Gỏi cá trích

Đĩa cá trích được lạng mỏng bỏ xương mang ra phục vụ thực khách luôn kèm theo nước cốt chanh (để làm chín và vô trùng cá), các loại rau sống, ớt thái chỉ, dừa nạo khô. Tất cả được thực khách tỉ mẩn nhặt từng thứ rồi gói trong lớp bánh tráng mềm, dẻo. Nước chấm gỏi khi ăn chỉ thấy ngon bùi và thơm lựng mà chẳng biết thứ gì đã tạo nên nó, hỏi ra thì biết ấy là đậu phộng rang, tỏi, ớt xay nhuyễn trộn với mắm Phú Quốc. Khi ăn miếng gỏi trong miệng thấy vị béo ngậy của cá, vị chua gắt của chanh, vị thơm mát của các loại rau rừng, vị bùi ngọt của dừa khô, cay hăng của tỏi ớt và hương vị pha trộn của mắm chấm gỏi.

Tôi không mua được đĩa gỏi cá trích mang về, đành bảo nhà bếp bán cho túi bánh tráng để gỡ gạc. Bánh tráng dùng cho món gỏi cá trích “made in Phu Quoc” vừa dày mà vẫn mềm, dẻo, thơm. Tôi mang về nhà cuốn nem chạo, cuốn thịt luộc chấm mắm tép, cuốn đu đủ bò khô… Miệng ăn mà vị giác cứ nhớ điên đảo món cá trích, nhớ lúc ngồi dưới chòi lá hứng gió biển mặn mòi từ những con sóng ba màu êm ả ập vào Bãi Sao và tay cuống quýt gói cá cho kịp nhai. Về sau, để khỏi “đứng núi này trông núi nọ”, tôi vứt gói bánh tráng đi. Ẩm thực, khổ nỗi cứ phải đúng vị, đúng kiểu và đúng chỗ. Nếu không thế, thà chẳng ăn thì thôi, đỡ chịu nỗi cứ vừa ăn vừa tức miệng.

Nhân đang nói chuyện ăn uống thì từ khách sạn tôi ở có thể đi bộ ra chợ đêm Dinh Cậu. Dinh Cậu nằm đơn sơ trên một ghềnh đá nhìn ra biển, giống như một tấm bình phong bé nhỏ mà toả hào quang che chở cho cư dân đảo. Dinh thờ các nhân thần bảo vệ cho hòn đảo là Chúa Ngọc Nương Nương và Cậu Tài, Cậu Quý. Vẻ giản dị của ngôi đền cũng giống như đền thờ nữ thần biển trên mũi Tanah Lot (Bali). Các vị thần đứng đó, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, bảo vệ cho dân lành thoát khỏi những thế lực siêu nhiên, huyền bí của biển cả, đâu cần đến một ngôi điện hoành tráng và sang trọng. Chợ đêm Dinh Cậu nằm ngay cạnh đó, chỉ tấp nập khi màn đêm đã buông xuống đảo. Chợ đêm ở Phú Quốc bán nhiều thứ linh tinh thập cẩm như mọi chợ đêm khác trên đời, nhưng thứ độc đáo nhất có thể tìm được ở đây là hải sản nướng. Tối đến đừng dại mà vào nhà hàng, hãy cuốc bộ ra chợ đêm, ăn thức nào chỉ thức ấy, chủ quán sẽ nướng xèo xèo món sò quạt tẩm mỡ hành (lại một đặc sản khác ở Phú Quốc) và mang ra tận bàn cho bạn. Khách ưa ẩm thực đi dạo một vòng chợ đêm Dinh Cậu dễ hoa mắt vì hằng hà các loại hải sản và cách chế biến khác lạ, như cháo sò huyết chẳng hạn.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Sáng sớm hôm sau, tôi quay lại chợ đêm, lúc này đã vắng tanh lều quán, và ăn một tô bánh canh chả. Bữa sáng không ngon lắm, nhưng bù lại tôi gạ được chủ quán cho mượn xe máy. Đúng hơn là thuê xe với giá vài chục ngàn một giờ. Vợ chồng ông chủ vui vẻ đưa chìa khóa cho tôi, chỉ dẫn tận tình đường đi lối lại trên đảo mà không cần tiền đặt cọc, chứng minh thư, số điện thoại, địa chỉ khách sạn hay bất cứ gì khác. Cứ đi đi, lúc nào thích trả thì trả. Ối trời đất ôi, sao mà mặt mũi tôi thánh thiện, trong sáng, thật thà, trung thực làm vậy.

Phú Quốc
Phú Quốc

Nhìn tôi, người vừa gặp đã yên tâm cho mượn cả khối tài sản. Vừa đi vừa băn khoăn, cảm động, sung sướng. Mãi sau mới nghĩ ra “Ờ nhỉ, đảo này ở giữa biển khơi. Xe máy chớ có phải mô tô nước đâu mà lái được vào Hà Tiên, Rạch Giá”. Nên ở trên đảo, đi đâu gặp ai cứ mượn xe máy thoải mái (vì cũng chẳng có đại lý cho thuê xe chuyên nghiệp ở Phú Quốc). Chẳng ai buồn hỏi bạn ở đâu, bao giờ trả xe. Cứ đi càng lâu càng tốt. Càng đi lâu chủ xe càng được nhiều tiền cho thuê. Sống trên đảo cũng có cái hay, rất yên trí về an ninh. Đố ai dám cướp giật, trộm cắp, gây án mạng rồi trốn chui trốn nhủi. Đi đâu khi mà bể nước bao quanh mênh mông thế? Nhưng dù có thế nào, việc vợ chồng ông chủ tiệm bánh canh chả cho tôi mượn xe mà không một lời cật vấn làm tin cũng khiến lòng ấm áp. Dân đảo ứng xử với nhau như thể đây chỉ là một ngôi làng nhỏ, chứ không phải một hòn đảo có diện tích gần bằng đảo quốc Singapore, và dù là khách hay chủ thì cũng giống những người hàng xóm đã quen biết nhau từ trước.

Cũng vì ưu điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ khi xâm chiếm Việt Nam đều tống các tù nhân chính trị lên những hòn đảo. Muốn cầm chân ai cứ đưa lên đảo xa tít biển khơi là yên tâm. Vua Thành Thái, vua Duy Tân bị đày lên đảo Réunion, hoàng đế Napoleon Bonaparte bị đày đến đảo Saint Helena và vô số các tù nhân chính trị khác bị giam lỏng trên những hòn đảo rải rác khắp các đại dương từ nhiều thế kỷ nay.

Hồi nhỏ tôi mê nhất truyện “Bá tước Monte Cristo”, nhân vật chính Edmond bị giam trong nhà ngục lâu đài trên đảo If, và “Papillon, người tù khổ sai” bị giam trong nhà tù ở đảo Cứu Rỗi. Tôi hồi hộp và thích thú với những câu chuyện vượt ngục đầy phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc không phải như trong tiểu thuyết, dù những miêu tả về phòng biệt giam của Papillon hay Edmond đã là kinh hãi lắm. Những gì còn lại bên trong trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc (nhà lao Cây Dừa) nằm ở xã An Thới, phía nam đảo chứng minh cho những gì tồi tệ nhất của địa ngục trần gian.

Ngoài kia là những cây dừa và bờ cát trắng, là làn sóng xanh và nắng tươi vàng rực rỡ, là những bầy cá cơm, cá trích hiền hòa bơi lội dưới biển sâu, còn trong này, hình ảnh và những dụng cụ tra tấn, gông cùm đã khiến tôi ngủ không ngon đêm hôm ấy. Đảo là sự cô lập của tự nhiên để những nhà cầm quyền tận dụng làm nơi giam cầm nhưng cũng là điểm lý tưởng để ẩn nấp và trốn chạy. Nơi an toàn nhất cũng chính là chốn nguy hiểm nhất. Trong suốt giai đoạn đối đầu với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bốn lần phải chạy trốn ra đảo. Giờ Phú Quốc vẫn còn vô số di tích của vua Gia Long như Giếng Tiên, Bãi Ngự… Những nơi biệt lập còn là chốn yên bình để tu hành và đắc đạo. Mặc dù lịch sử của Phú Quốc chính thức được công nhận mới 300 năm nhưng người ta vẫn tìm thấy trên vách đá hang động ở Bãi Xếp (nam đảo) một bản khắc chữ Hán có niên đại 1.500 năm do một nhà sư để lại.

Hỏi các thổ dân rằng trên đảo có gì tham quan thì ai nấy đều chỉ tới bảo tàng Cội Nguồn. Phú Quốc có ngọc trai, chó xoáy, ó biển và nước mắm thì bảo tàng Cội Nguồn có đủ cả, chỉ trừ nước mắm là không trưng bày mà thôi. Đây là bảo tàng tư nhân có bán vé mà chủ sở hữu của nó là anh Huỳnh Phước Huệ. Bảo tàng Cội Nguồn lưu trữ đạn đại bác, xương hóa thạch, các hiện vật cổ từ tàu đắm và nhiều hình ảnh trưng bày khác. Tất cả chứng minh rằng 2.000 năm trước, trên đảo đã có người sinh sống, khi mà những hũ cổ chứa cốt người thuộc nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I-VII) đã tình cờ được tìm thấy ở đây. Và hai thiên niên kỷ sau, hòn đảo vẫn còn là thiên đường hoang sơ và ấm áp tình người cho những ai muốn khám phá và lưu giữ hồi ức về một miền
ánh nắng.

About Phú Quốc

Trang tin hàng đầu Việt Nam về Đảo Phú Quốc
Phú Quốc được mệnh danh là Hòn Đảo Ngọc, nếu Bạn có dịp đặt chân đến đây thì bạn sẻ cảm nhận được đều này. Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng với nhiều sản vật mà ít nới đâu có được.
Nếu Bạn thấy bài viết này có ích hãy click vào Like và G+ để chia sẻ nhé.

Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần hổ trợ mọi vấn đề về Phú Quốc.
Email: [email protected]
Hotline: 090 729 4310
Giải đáp Phú Quốc: 0908 616 747
Website:

http://www.phuquoc.tv
http://www.daophuquoc.biz
http://dacsanphuquoc.org
http://phuquocisland.us

Xem thêm

Khám phá Đảo Ngọc Phú Quốc chiêm ngưỡng thiên nhiên hoang sơ huyền bí

Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường mặt đất”, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *