Phú Quốc trong sự phong phú về nguồn thực phẩm của biển và sự độc đáo của cách chế biến, từ lâu, gỏi cá trích đã trở thành là món ăn mang đậm hương vị của vùng biển đảo, thật uổng phí nếu bạn không thưởng thức món ăn dân giã được xem là đặc sản khi đặt chân đến Phú Quốc, bởi nó cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người. Điều này đã góp phần làm phong phú nét đẹp văn hóa ẩm thực biển đảo Phú Quốc.
Gỏi cá Trích và rượu Sim ở Phú Quốc
Gỏi cá Trích
Cá trích có rất nhiều ở vùng biển Phú Quốc và ngư dân có thể khai thác quanh năm. Vì thế, việc lựa chọn những con cá mới đánh bắt được còn tươi để làm gỏi là không mấy khó khăn. Đây cũng là lợi thế của biển đảo Phú Quốc và cũng là điều kiện thuận lợi để cho cư dân ở đây nghĩ ra cách chế biến gỏi cá trích. Cách làm món gỏi cá trích thì khá đơn giản vì mọi thứ đều là “cây nhà lá vườn”, nhưng khâu chuẩn bị lại là quan trọng, góp phần làm món ăn thêm hoàn hảo.
Cá trích mang về phải thật tươi, vảy còn bóng trắng cạo sạch vảy rồi rửa thật sạch, Cá được cắt bỏ đầu, mổ bụng thật sạch, bỏ xương sống rồi lấy hai mảnh phi-lê toàn thịt đỏ. Nước sốt chua có thể làm bằng dấm hoặc chanh, nhưng để có được hương vị đậm đà, người Phú Quốc thường sử dụng dấm được nuôi bằng trái ổi chín vốn có rất nhiều tại vùng này, nêm thêm ít muối và đường.
Nuớc chấm phải làm bằng nước mắm Phú Quốc ngon, nguyên chất, cho thêm đường, ớt, tỏi, bột ngọt và khi ăn thì bỏ vào ít lạc rang giã nhuyễn. Bánh tráng, rau sống, dừa khô là những thứ không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Rau thì luôn có trong các cánh rừng nguyên sinh của đảo, dừa thì được cư dân trồng rất nhiều, còn bánh tráng thì phải là bánh tráng do chính người dân Phú Quốc tự làm lấy vì bánh tráng ở đây có hương vị riêng biệt so với những nơi khác, vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Do vậy, khi cuốn với gỏi cá trích, bánh tráng không bị bể và ăn rất ngon miệng. Đây cũng là nét đặc trưng của nghề làm bánh tráng ở Phú Quốc.

Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi. Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới.
Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được. Hơn nữa, Ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ duy nhất đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang là có cây sim. Rừng sim Phú Quốc nhiều vô kể, đi đâu cũng gặp, nhiều nhất là ở các khu rừng phòng hộ Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương.
Cây sim có 2 loại, đó là hồng sim và tiểu sim, đều có lá mặt dưới màu trắng có lông, trái khi chín có màu tím đen. Trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim. Hầu như sim ra hoa và có trái quanh năm, nhưng theo những người chế biến cho biết, thì vụ sim vào tiết xuân cho trái có chất lượng tốt nhất, có nhiều mật ngọt và là nguyên liệu tốt nhất để làm ra thứ rượu sim có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng.
Vụ sim vào tiết xuân cho trái có chất lượng tốt nhất
Người đầu tiên chế biến thành công rượu trái sim ở Phú Quốc vào năm 1997 là ông Mặc Văn Nghiêm mà người dân quen gọi là chú Bảy Giáo. Ông Nghiêm học được cách ép, ngâm ủ, lên men trái sim từ bí quyết của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Rượu sim có màu vàng trong suốt rất đẹp, có mùi thơm đặc trưng của trái sim rừng, khi uống có vị ngọt thanh pha lẫn vị chát. Rượu sim giúp cho việc tiêu hóa thức ăn, trị được các chứng nhức mỏi ở những người lớn tuổi.